Một số điểm đáng chú ý của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức

Qua đó, sẽ có nhiều chính sách tác động trực tiếp đến cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 01/7/2020 như sau:
1. Đối tượng áp dụng không bao gồm những người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010 đều quy định công chức bao gồm những người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Điều này dẫn đến sự không thống nhất trong việc thực hiện chế độ, chính sách và áp dụng cơ chế quản lý đối với đối tượng này, nhất là đối với trường hợp công chức được điều động sang làm lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập thì đương nhiên vẫn giữ ngạch công chức.
Từ đó, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019 quy định: “Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước”.
Như vậy, từ khái niệm đã khẳng định:
- Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với “vị trí việc làm”.
- Đối tượng là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội không là công chức theo quy định mới này.
2. Bổ sung 01 loại ngạch công chức và thay đổi trong phân loại công chức theo ngạch
Bên cạnh các ngạch được bổ nhiệm, công chức được phân theo các loại A, B, C, D. Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 bổ sung một loại công chức theo ngạch đó là “Loại đối với ngạch công chức do Chính phủ quy định”.
3. Chính thức bỏ chế độ “biên chế suốt đời” với viên chức
Luật sửa đổi, bổ sung Điều 25 Luật Viên chức 2010, việc thực hiện hợp đồng loại không xác định thời hạn chỉ còn được áp dụng với 03 trường hợp:
- Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020;
- Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức khi đáp ứng các điều kiện quy định;
- Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Như vậy, đối với hợp đồng không xác định thời hạn hay còn gọi là “chế độ biên chế suốt đời” của viên chức sẽ không còn được áp dụng với các đối tượng mới được tuyển dụng từ ngày 01/7/2020.
(Ảnh sưu tầm từ internet)
4. Thêm trường hợp được tuyển dụng vào công chức
Điều 37 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định việc tuyển dụng công chức được thực hiện qua hình thức thi tuyển. Trường hợp duy nhất được xét tuyển là người có phẩm chất, trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu tuyển dụng phải cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo...
Luật sửa đổi bổ sung Điều 37 của Luật cán bộ công chức 2008 quy định thêm 2 nhóm đối tượng được tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển gồm:
- Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học.
- Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.
(Ảnh sưu tầm từ internet)
Luật mới cũng quy định thêm tiêu chuẩn tiếp nhận người vào làm công chức thuộc các trường hợp sau:
- Viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập;
- Cán bộ, công chức cấp xã;
- Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân; người làm công tác cơ yếu nhưng không phải là công chức;
- Tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý với người đang là Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và người đang giữ chức vụ, chức danh quản lý khác theo quy định của Chính phủ trong doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữu trên 50% vốn điều lệ; người được tiếp nhận phải được quy hoạch vào chức vụ bổ nhiệm hoặc chức vụ tương đương.
- Người đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác.
5. Thêm cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức:
Luật sửa đổi bổ sung Điều 39 của Luật cán bộ công chức 2008 về tuyển dụng công chức, trong đó thêm 02 cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức gồm “tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là do đơn vị sự nghiệp công lập; cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.
6. Về thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức
Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm.
- Hiện hành: Áp dụng thời hiệu 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm cho tất cả các trường hợp.
- Được sửa đổi:
+ 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng mà có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách;
+ 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định nêu trên.
- Bổ sung quy định về 04 trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật:
+ Cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ;
+ Có hành vi vi phạm về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;
+ Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;
+ Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.
Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020./.